Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 ngành Nội vụ
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 ngành Nội vụ
Ngày 12.12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Nguyễn Thái Bình, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chủ trì Hội nghị; dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo Vụ/Ban Tổ chức các Bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Nguyễn Tiến Tăng, Giám đốc Sở Nội vụ được UBND tỉnh ủy quyền chủ trì; tham gia còn có đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh… Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong năm qua, các đơn vị trong Ngành Nội vụ luôn bám sát định hướng, quan điểm, đường lối tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành dân cấp tỉnh để cụ thể hóa xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình công tác để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã chủ động báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của các cấp Lãnh đạo để tháo gỡ. Trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được xác định rõ, đồng thời xác định các đơn vị liên quan có trách nhiệm tham gia, phối hợp. Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đạt những kết quả tích cực, tiếp tục đi vào nền nếp; việc tổ chức triển khai được thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương; đồng thời, đã chú trọng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện được nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, quản lý, sử dụng biên chế công chức, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, công tác thi đua, khen thưởng, công tác tín ngưỡng tôn giáo… Cơ bản đã thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm tính thống nhất về phân công quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương và giữ ổn định, không làm tăng đầu mối tổ chức bộ máy; việc quản lý quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo đúng quy định của Chính phủ, bảo đảm giữ ổn định tổng biên chế công chức và giao bổ sung số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Luật tổ chức chính quyền địa phương được thông qua đã thay thế các quy định cũ về tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong hoạt động quản lý nhà nước giai đoạn mới; đã sửa đổi, bổ sung và giải quyết một số vấn đề về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã đã tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ, tạo được sự đồng thuận xã hội và được đánh giá cao; cơ cấu các cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở cấp tỉnh, cấp huyện và cơ bản giữ ổn định Đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Xây dựng các chính sách trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng; thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Ban hành 47 tiêu chuẩn ngạch công chức, 21 bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển và quản lý công chức. Triển khai các chương trình, đề án tăng cường cán bộ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn. Việc đào tạo theo yêu cầu công việc được quan tâm, nghiên cứu và thực hiện; các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài đã góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý tiên tiến cho đội ngũ cán bộ, công chức; giúp cho cán bộ, công chức mở mang “tầm nhìn”, cách thức tổ chức, quản lý xã hội, đất nước của các nước tiên tiến. Công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp ngày càng được nâng cao với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nhân rộng mô hình một cửa điện tử. Công tác lập kế hoạch cải cách hành chính, kế hoạch tuyên truyền, kế hoạch kiểm tra và xây dựng báo cáo cải cách hành chính được thực hiện tốt, chất lượng báo cáo được nâng cao.... Bên cạnh đó Bộ Nội vụ đã chỉ ra một số hạn chế sau: Thứ nhất: tiến độ xây dựng và ban hành một số văn bản, đề án còn chậm so với yêu cầu. Vẫn còn nhiều văn bản xin lùi thời gian trình hoặc đưa ra ngoài Chương trình công tác của của cấp có thẩm quyền; tiến độ thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình, kế hoạch công tác còn chậm, chất lượng chưa thực sự cao, chưa bảo đảm tính khả thi. Thứ hai: Công tác quản lý công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quy hoạch, luân chuyển chưa thật sự tốt; công tác củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ, công chức và tuyển dụng, bổ sung công chức còn chậm. Trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thực hiện tốt khi tiến hành đánh giá công chức, viên chức. Tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, làm hạn chế chất lượng công tác chuyên môn của một số đơn vị. Thứ ba: Một số chủ trương lớn về cải cách hành chính được đề ra khá sớm như đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công, giảm biên chế, giảm cấp phó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức... nhưng kết quả chưa thực sự cao; thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà. Việc phân cấp chưa đi đôi với hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quy hoạch và tăng cường kiểm tra, giám sát. Thứ tư: Tổ chức bộ máy một số cơ quan nhà nước chưa đạt yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn, trong thực hiện còn có vướng mắc, đòi hỏi phải tiếp tục cố gắng và có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cộng với sự đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn quyết liệt của Bộ. Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn thấp, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thứ năm: Số lượng các cuộc thanh tra, đối tượng thanh tra còn ít so với phạm vi, đối tượng thuộc thẩm quyền thanh tra của ngành Nội vụ; xử lý sau thanh tra một số vụ việc còn chậm. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả toàn diện của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2015. Về cơ bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện đồng tình với Báo cáo được Bộ Nội vụ trình bày tại Hội nghị về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của ngành Nội vụ trong năm 2015. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Bộ Nội vụ trong công tác xây dựng thể chế, chính sách đã hoàn thành xuất sắc với nhiều Đề án, dự án, Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi), Luật Chính quyền địa phương… đảm bảo tiến độ và chất lượng cao, đặc biệt với vai trò cơ quan thường trực về cải cách hành chính của Chính phủ đã có chế độ công tác tốt, những đề xuất cần thiết để đưa chủ trương, biện pháp giúp Trưởng ban chỉ đạo triển khai hoàn thành kế hoạch công tác đã đề ra, góp phần vào cải cách hành chính nhà nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ cần nghiêm túc, cầu thị nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế chỉ rõ nguyên nhân để khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, góp phần vào phát triển chung của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong năm 2016, Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ cần tập trung, đề cao triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, đặc biệt thực hiện có hiệu quả những nội dung sau: Một là: Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng thể chế, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành Nội vụ được phân công. Trong đó, cần tập trung xây dựng có chất lượng, bảo đảm tiến bộ các đề án được Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ. Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện, sớm trình các đề án (Nghị quyết của UBTVQH, Nghị định của CP) để triển khai Luật Tổ chức chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương (Hai Luật này có hiệu lực từ 1/1/2016). Hai là: Bộ Nội vụ cần tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhà nước, nhất là cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực trọng tâm; tích cực tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Ba là: Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các cấp, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết dứt điểm các điểm tranh chấp về địa giới còn tồn tại ở một số địa phương. Bốn là: Cần quyết liệt hơn trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách chế độ công vụ, công chức. Cụ thể: Sớm phê duyệt các Đề án vị trí việc làm của các Bộ, ngành, địa phương. Đổi mới công tác quản lý biên chế; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công vụ. Chú trọng công tác hậu kiểm. Phân cấp, phân quyền nhưng phải bảo đảm thực hiện tốt công tác hậu kiểm. Năm là: Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tôn giáo, Thi đua - Khen thưởng, Văn thư - Lưu trữ, quản lý công tác hội, công tác thanh niên. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 và Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; tăng cường đoàn kết nội bộ; đề cao kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống quan liêu, sách nhiễu, tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức. Coi đây là những nội dung công tác trọng tâm, góp phần xây dựng Bộ, ngành Nội vụ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Hoàng Tuấn - Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu Tin liên quan Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội vụ(30/12/2022 8:42:44 SA) Bộ Nội vụ sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022(08/07/2022 10:34:41 SA) Thư chúc mừng ngày Quốc tế phụ nưc 08/3 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ(09/03/2022 9:27:58 SA) Công bố quyết định Thanh tra công tác Nội vụ tại huyện Nậm Nhùn(13/03/2020 10:23:03 SA) Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành nội vụ (23/01/2019 3:30:42 CH) |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ TỈNH LAI CHÂU
Địa chỉ: Tầng 1, 2 nhà D khu Trung tâm hành chính, chính trị tỉnh Lai Châu
Người chịu trách nhiệm: Vừ A Tiến - Giám đốc
Số điện thoại: 02133.798.989
Email: sonoivu@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn www.sonv.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này.